Trong thời gian gần đây số lượng các vụ cháy xảy ra nhiều, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như cháy chung cư mini ở Khương Hạ (12/9) khiến 56 người chết. Do đó, những quy định phòng cháy chữa cháy càng phải được nắm chắc để giảm thiểu tối đa nguy cơ hỏa hoạn. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết các quy định về phòng cháy chữa cháy mới nhất cho các cơ sở, hộ gia đình ngay sau đây.
“Hỏa thần” – mối họa khó lường
Nhiều người nhận định chưa năm nào các vụ hỏa hoạn lại nhiều và để lại những mất mát nhiều như năm nay. Từ đầu năm nay, hàng loạt các vụ hỏa hoạn đã diễn ra trên khắp cả nước từ quy mô hộ gia đình, khu dân cư đến các cơ sở,… gây thiệt hại vô cùng lớn cả về người và tài sản.
Theo thông cáo của Cục Cảnh sát PCCC, tình hình cháy, nổ trong vòng 6 tháng đầu năm (từ ngày 15/01 – 14/6/2023), toàn quốc đã xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính lên đến 87,15 tỷ đồng.
Trong tháng 7, toàn quốc đã xảy ra 180 vụ cháy, làm chết 12 người, bị thương 7 người, tài sản thiệt hại ước tính 21,64 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 8, toàn quốc đã xảy ra 218 vụ cháy, làm chết 08 người, 03 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 91,9 tỷ đồng.
Trong tháng 9 chưa có thống kê chính thức, nhưng chắc chắn người dân cả nước không thể quên được những hình ảnh đau thương từ vụ cháy tại chung cư mini tại Khương Hạ (Thanh Xuân – Hà Nội) ngày 12/9. Vụ cháy đã thiêu rụi căn chung cư 45 phòng – nơi sinh sống của khoảng 150 người, khiến 56 người chết, 37 người bị thương.
Những thương vong kể trên càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hiểu biết các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Quy định về phòng cháy chữa cháy mới nhất tại cơ sở
Theo Khoản 1, thuộc Điều 4 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các cơ sở là những nơi sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, công trình công cộng, khu chung cư và các công trình độc lập khác theo danh mục do Chính phủ quy định được xác định chính là cơ sở thuộc trong diện quản lý về PCCC.
Cơ sở là nhóm đối tượng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng cháy chữa cháy. Vì cơ sở thường có quy mô lớn, số lượng người đông nên nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ có thiệt hại lớn.
(1) Cơ sở thuộc thuộc quyền quản lý của cơ quan công an cần đảm bảo những quy định phòng cháy chữa cháy tại cơ sở như sau:
- Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng cùng loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng được yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định.
- Có phương án chữa cháy đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Hệ thống điện, chống tĩnh điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh nhiệt, sinh lửa, việc sử dụng nguồn lửa,… phải bảo đảm an toàn PCCC hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ việc chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về việc phòng cháy, hệ thống báo cháy, ngăn cháy, chữa cháy, ngăn khói, thoát nạn,… phù hợp với quy chuẩn PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt về thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có), văn bản chấp thuận về kết quả nghiệm thu PCCC cơ quan Cảnh sát PCCC đối với dự án, công trình.
(2) Cơ sở thuộc thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã cần phải bảo đảm các quy định phòng cháy chữa cháy sau đây:
- Cơ sở thuộc danh mục quy định trong Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP cần phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt về thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có), văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC.
- Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc để phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói, chữa cháy, thoát nạn, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người cần bảo đảm về số lượng, chất lượng hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có quy định và phân công nhiệm vụ, chức trách PCCC. Người làm nhiệm vụ PCCC phải được huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC theo quy định tại Điều 33 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
(3) Cơ quan, tổ chức hoạt động ở trong phạm vi của một cơ sở đã bảo đảm được điều kiện an toàn về PCCC tại điểm (1) và (2), trong phạm vi quản lý của mình cần phải thực hiện những nội dung sau đây:
- Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hay theo quy định của Bộ Công an.
- Sử dụng các thiết bị điện, sinh nhiệt, sinh lửa, nguồn nhiệt, nguồn lửa, phải bảo đảm an toàn PCCC.
- Cử người tham gia đội PCCC cơ sở.
- Phối hợp với người đứng đầu của cơ sở thực hiện, duy trì điều kiện an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình.
Quy định về phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư
Trong Nghị định 79/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có quy định chi tiết về PCCC đối với khu dân cư. Nghị định cũng có quy định 7 điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư:
- Có quy định, nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa cùng các chất dễ cháy, nổ; có biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp đối với đặc điểm của khu dân cư.
- Có thiết kế PCCC và phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC cháy đối với những khu dân cư xây dựng mới.
- Hệ thống điện cần bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về PCCC.
- Có hệ thống nguồn nước, giao thông phục vụ chữa cháy, các giải pháp chống cháy lan, phương tiện PCCC bảo đảm số lượng cũng như chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng theo quy định.
- Có lực lượng dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng để chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy ngay tại chỗ.
- Có hồ sơ quản lý, theo dõi các hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an.
Quy định phòng cháy chữa cháy đối với hộ gia đình
Trong Nghị định 79/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành có quy định chi tiết về PCCC đối với hộ gia đình. Cụ thể, 3 điều kiện an toàn về PCCC đối với mỗi hộ gia đình gồm:
- Nơi đun nấu, nơi thờ cúng, những nơi có sử dụng nguồn nhiệt, nguồn lửa, thiết bị sinh nhiệt, sinh lửa, hệ thống điện, thiết bị dùng điện phải bảo đảm an toàn về PCCC.
- Tài sản, vật tư, các chất cháy phải được bố trí, sắp xếp, sử dụng và bảo quản đúng quy định an toàn về PCCC.
- Có các phương tiện chữa cháy phù hợp đối với đặc điểm hoạt động và điều kiện của mỗi hộ gia đình.
Trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân theo quy định phòng cháy chữa cháy
Đối với mỗi người mang quốc tịch Việt Nam, Luật PCCC quy định công dân từ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe phải có trách nhiệm tham gia đội dân phòng, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hay nơi làm việc khi có yêu cầu. Ngoài ra, mỗi người còn có nghĩa vụ sau:
- Chấp hành tốt quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
- Tuần thủ pháp luật và nắm vững những kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, các phương tiện PCCC thông dụng.
- Bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh nhiệt, sinh lửa và trong bảo quản, sử dụng các chất cháy.
- Ngăn chặn các nguy cơ trực tiếp gây phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC.
- Thực hiện các quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân theo như quy định của pháp luật.
- Đối với chủ hộ gia đình, bên cạnh những nghĩa vụ và trách nhiệm như đã nêu ở bên trên, chủ hộ gia đình còn có thêm những trách nhiệm và nghĩa vụ sau:
- Đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện đúng quy định của pháp luật về PCCC.
- Thường xuyên kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy, nổ.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức cùng các hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ cũng như sử dụng an toàn các chất dễ gây cháy, nổ.
Trên đây là những quy định phòng cháy chữa cháy mới nhất được ban hành bởi Chính phủ, các bộ ngành có liên quan. Mọi người dân cần tuân thủ những quy định này nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến cháy nổ, hỏa hoạn.